“Âm nhac & Nghe nhạc” – Bạn đã hiểu đúng về nó ???
Âm nhạc là thứ không thế thiếu trong đời sống của mỗi con người, đôi khi âm nhạc không chỉ đơn thuần để giải trí mà nó còn có thể chi phối cảm xúc của bạn. Điều gì khiến bạn bị cuốn hút và muốn nghe đi nghe lại một bài nhạc nhiều lần? Và liệu chúng ta có đang thực sự nghe nhạc? Hãy cùng làm rõ điều đó nhé!
Đối với những ai mới bắt đầu dấn thân vào thú vui âm thanh thì việc chọn lựa và phối ghép được một dàn âm thanh như ý là điều không dễ dàng dù cho bạn sử dụng tai nghe hay loa, nhưng đó là điều chúng ta nghĩ tới khi đã đi được một phần hai chặng đường. Chính xác thì điều cần làm đầu tiên khi mới chơi âm thanh là việc chúng ta xác định được gu nhạc của mình hay cụ thể hơn là cái chúng ta muốn nghe là gì. Điều này rất quan trọng bởi nó sẽ quyết định rất lớn đến quyết định lựa chọn các thiết bị mà chúng ta sẽ sử dụng sau này để tận hưởng thứ âm thanh đó. Vậy nhưng trước giờ chúng ta chỉ nghe nhạc một cách thụ động theo một số lý do phổ biến như sau.
Nghe nhạc theo tâm lý đám đông /trào lưu
Không phải tự nhiên mà các MV ca nhạc như: Despacito – Luis Fonsi hay Gangnam Style – Psy trên Youtube sở hữu lượt xem khủng như vậy, giai điệu bắt tai hay hình ảnh MV cuốn hút chính là những vũ khí giúp chúng thành công như vậy, tuy nhiên một thứ không thể phủ nhận chính là việc chúng ta nghe chúng vô thức vì xung quanh chúng ta ai ai cũng nghe, đó như một dạng trào lưu và nó thường tồn tại không lâu do ít động chạm đến cảm xúc của người nghe.
Nghe nhạc do vô tình giai điệu của bài nhạc phù hợp với tâm trạng của người nghe nhạc
Một người có tính cách vui vẻ và lạc quan thì thứ âm nhạc họ thưởng thức thường cũng mang âm hưởng tương tự như vậy, tuy nhiên cuộc sống là muôn màu muôn vẻ và không ai có thể luôn luôn lạc quan và vui vẻ mãi được, những lúc cô đơn hay buồn bã thì cũng là lúc những bản nhạc có tiết tấu chậm rãi và ca từ da diết lên ngôi.
Có bao giờ bạn thắc mắc nếu chúng ta nghe nhạc một cách nghiêm túc hơn, chăm chỉ hơn theo hướng tìm tòi như khi chúng ta làm điều đó với những môn học trên ghế nhà trường. Điều này nghe có vẻ mệt mỏi và làm mất đi sự thư giãn khi nghe nhạc, nhưng theo các học giả nhấn mạnh rằng nếu chúng ta nghe nhạc theo cách của một nhạc sĩ, hiểu được cách các nốt nhạc kích hoạt cảm xúc,cách các âm sắc tự tạo nên kết cấu và ý nghĩa của chúng thì chúng ta có thể trải nghiệm những thứ nội hàm và rộng mở hơn. Chúng ta có thể đi sâu hơn vào câu chuyện của mỗi bài hát hay hiểu sâu hơn thông điệp mà tác giả muốn truyền tải.
Vậy làm thế nào để một người không phải nhạc sỹ như chúng ta có thể chọn và nghe nhạc một cách có chủ đích hơn, dưới đây là một số các cách các bạn có thể thử.
Nghe nhạc khi vận động
Việc nghe nhạc khi vận động hay di chuyển giúp chúng ta kết nối với bản nhạc tốt hơn, Arnie Cox, tác giả cuốn Âm nhạc và Nhận thức hiện thựccho rằng: Lắng nghe, Chuyển động, Cảm nhận và Suy nghĩ, nói rằng việc lắng nghe trong khi tập thể dục tạo ra một trải nghiệm tổng hợp vì việc lắng nghe tiếp thêm năng lượng cho các chuyển động của chúng ta.
Nghe nhạc theo giai điệu
Đây chính là cách mà một bài hát vượt ra khỏi ranh giới quốc gia, ngôn ngữ của nhạc sỹ sáng tác tác phẩm đó. Rất nhiều người trong chúng ta không thật sự hiểu ý nghĩa của lời bài hát Happy New Year do ABBA trình bày nhưng giai điệu của bài hát đó thì ai cũng nằm lòng và mỗi khi nó được cất lên chúng ta lại cảm thấy bồi hồi vì thời khắc giao thừa sắp đến. Nếu như lời bài hát là phương tiện để tác giả truyền tải thông điệp thì giai điệu chính là linh hồn của tác phẩm. Yêu thích giai điệu của một bài hát chính là chúng ta đang đồng điệu với tinh thần của tác giả, của bài hát đó.
Nghe nhiều thể loại khác nhau
Như đa phần các mặt khác từ thời trang , sở thích ăn uống …Gu âm nhạc là bản sắc của mỗi người. Chúng cho biết, chúng ta đến từ đâu, tính cách chúng ta như thế nào. Thị hiếu âm nhạc có xu hướng ràng buộc các nhóm xã hội, có thể hiểu đơn giản như sau. Nếu bạn là một cậu thanh niên mới lớn thì những bài nhạc truyền thống hay nhạc Cách Mạng không phải là thứ bạn tìm kiếm lúc thư giãn nhưng đối với những cụ ông tuổi trên lục tuần thì đó chính là quá khứ huy hoàng của họ, tiếp tục nhé, với những ai làm các công việc sáng tạo nghệ thuật thì chắc chắn phần đa họ sẽ chọn những thể loại có tiết tấu chậm rãi như cổ điển hay giao hưởng, ngược lại các vđv thể thao coi những bản nhạc pop dance, EDM có nhịp điệu sôi động là nguồn dopamin dồi dào, giúp họ vượt qua những phút giây mệt mỏi khi tập luyện. Đó chỉ là những ví dụ nhỏ cho thấy chúng ta bị ảnh hưởng như thế nào từ thị hiếu âm nhạc, vậy nhưng nếu bạn chịu khó bước ra khỏi ranh giới mong manh đó thì sẽ phát hiện ra rất nhiều thứ tuyệt vời ngoài kia. Việc nghe nhiều thể loại nhạc cũng giúp bạn tích lũy thêm nhiều kiến thức mới và đồng cảm được với những người ở nhóm xã hội khác.
Vậy đấy, âm nhạc và nghe nhạc thật đơn giản nhưng sâu bên nó cũng có nhiều điều làm chúng ta bỡ ngỡ. Với Nhacsohanoi.vn-chúng tôi luôn cố gắng hết sức mang đến những thông tin giá trị nhất đến mọi người, cùng mọi người THỎA ĐAM MÊ-TRỌN CUỘC SỐNG.